Nhà tù trăm tuổi khét tiếng Hà Tiên

Nhà tù này trước đây được gọi là khám Hà Tiên, do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1897 với chi phí 1.800 đồng Đông Dương.

Lúc mới xây dựng (năm 1897) nhà tù chưa có tường cao kiên cố, chỉ có một hàng rào thấp bằng cây. Năm 1940 – 1942 vì số tù nhân đông và để ngăn chặn vượt ngục nên tường rào được xây kiên cố, chỉ có một lối duy nhất là cổng chính, cánh cổng bằng sắt nặng và chắc.

 

 

Về tổng thể, khu nhà tù có hình chữ nhật với chiều dài khoảng 30 mét, chiều rộng 25 mét, bên trong có 3 dãy phòng giam kiên cố có song sắt, không cửa sổ, chỉ có khe nhỏ lấy ánh sáng. Xung quanh nhà tù được bao bọc bởi 4 bức tường đá dày 0,5 mét, cao 4 mét với 4 tháp canh.

 

Từ cổng chính vào đến nhà giam là 8m, bờ rào ba mặt còn lại cách nhà giam 3m. Ba dãy nhà giam và dãy nhà bếp phía sau tạo thành một khu hình chữ nhật. Tất cả các dãy đều có tường xây gạch ốp đá, nền gạch tàu, mái lợp ngói. Từ cổng đi vào 8m là một dãy nhà chắn ngang có 2m bỏ trống (giống như hành lang). Phía tay trái là phòng của lính canh, kế phòng lính là nơi làm việc của quản ngục và cũng là phòng hỏi cung, tra tấn và để dụng cụ tra tấn. Phía tay phải là một phòng giam không có cửa sổ.

 

Từ khi xây dựng xong cho đến khi Nhật đảo chính Pháp, nơi đây là nơi giam cầm tù chính trị và thường phạm với thời gian từ vài tháng đến 5 năm.

Có một số nhân vật khá nổi tiếng từng bị giam giữ ở đây như Nguyễn Hòa Hiệp – Đảng viên Quốc dân Đảng là người bị giam giữ lâu nhất, từ năm 1929 đến năm 1963; nhà cách mạng nổi tiếng Nguyễn An Ninh bị giam giữ vào năm 1938 trong khoảng một tuần lễ rồi chuyển đi nhà tù khác; Trần Văn Trương bị bắt vào tù năm 1930 vì tội rải truyền đơn, sau bị đày đi Côn Đảo.

Các tù nhân mặc quần áo màu xanh, sau lưng có in chữ P (viết tắt của chữ Prison); khi đi làm mặc quần ngắn và đội nón lá. Những người trốn tù sẽ bị xiềng chân và bị cạo một nữa mái tóc bôi dầu hắc lên. Những người đấu tranh (họ gọi là nỗi loạn) thì bị giam cách biệt trong phòng nhỏ.

 

Ở đây có nhiều cực hình tra tấn dã man như: tra điện, kẹp điện vào mang tai, cổ tay, cổ chân… cho điện giật rồi xối nước lạnh. Có một phòng hỏi cung để đầy dụng cụ tra tấn, đánh đập để uy hiếp ép cung.

Không chỉ tra tấn, bọn chúng còn bắt tù nhân phải lao động rất vất vả với những công việc nặng nhọc như đổ phân (vì nhà tù không có nhà vệ sinh), đào đất, đắp đường, lấn biển.

 

Lao động cực nhọc thế nhưng tù nhân lại ăn uống kham khổ chỉ được ăn phần cơm ít ỏi với cá ươn và bí rợ.

Giữa năm 1930, tại khám Hà Tiên nổ ra cuộc đấu tranh của tù chính trị do chi bộ nhà tù trực tiếp lãnh đạo. Tù nhân tuyệt thực, đòi được chăm sóc đời sống, đòi giảm giờ lao động khổ sai, cải thiện chế độ ăn uống… Đội tự vệ của nhà tù được thành lập, họ lấy dụng cụ lao động đối phó với bọn cai ngục. Tuy cuộc đấu tranh bị đàn áp nhưng gây tiếng vang lớn.

 

Khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, quản tù Nguyễn Văn Lợi đã mở ngục cho gần 500 tù nhân thoát ra ngoài, trong đó có hàng trăm tù chính trị. Đó chính là những hạt giống cách mạng lãnh đạo phong trào cho đấu tranh của mảnh đất Hà Tiên.

Từ năm 1946 đến 1960, nơi đây được dùng làm nơi tạm giam. Các tù nhân cũ được chuyển đi nhà tù khác kiên cố hơn.

Từ năm 1960 đến 1975, khu nhà tù được dùng làm kho chứa vũ khí của Mỹ và quân đội Sài Gòn.

Sau Giải phóng, nhà tù Hà Tiên được lưu giữ như một chứng tích lịch sử cho một giai đoạn đấu tranh hào hùng của dân tộc . Nhà tù Hà Tiên là một trong những bản cáo trạng nói lên sự nham hiểm, độc ác của thực dân Pháp và Mỹ, cũng là bằng chứng về tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng quật cường của nhân dân Việt Nam.